Doanh nghiệp tôn thép: Tìm đường thoát khó

Năm 2015, các doanh nghiệp (DN) ngành tôn thép trong nước gặp khó khăn khi giá thép nguyên liệu nội địa và thế giới liên tục giảm. Năm 2016 được dự đoán sẽ là năm tiếp tục khó khăn khi nguy cơ tôn thép nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tràn vào Việt Nam. Để cứu mình, các DN tôn thép đang chủ động tìm hướng đi thoát khó.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2015, Việt Nam đã nhập đến 19,83 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, trong đó 9,6 triệu tấn thành phẩm nhập từ Trung Quốc, riêng tôn mạ từ Trung Quốc chiếm 90%. Điều đáng lo là nếu tình hình nhập khẩu tiếp tục kéo dài, các DN trong nước sẽ rất khó cạnh tranh, kéo theo nguy cơ phá sản.
Nguy cơ phá sản cao

Phát biểu tại một hội thảo mới đây về chủ đề "Tăng trưởng kinh tế trong hội nhập", ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen, cho rằng: "Năm vừa qua là một năm vô cùng khó khăn với DN ngành tôn thép khi giá thép nguyên liệu nội địa và thế giới liên tục giảm, đồng thời cuộc khủng hoảng thừa trên thị trường thép thế giới đã gây sức ép cạnh tranh đối với các DN thép trong nước".

Thông tin từ VSA cũng cho thấy, những tháng đầu năm 2016, lượng nhập khẩu phôi thép vào Việt Nam tăng gấp đôi so với mức bình quân của tháng năm trước.

Với đà này, DN trong ngành dự báo, cả năm 2016 lượng phôi thép nhập khẩu sẽ tăng gấp đôi và dự đoán năm 2017, thị trường phôi thép trong nước sẽ bị thép nhập khẩu chiếm lĩnh hoàn toàn, lúc đó sẽ có hàng loạt DN nội phá sản.

Tại buổi gặp mặt khách hàng cuối năm, ông Lê Phước Vũ ước tính, tổng sản lượng tiêu thụ tôn thép nội địa năm 2015 khoảng 2,6 triệu tấn, giảm khoảng 20%, tương đương hơn 500 nghìn tấn so với năm trước, như vậy các DN sản xuất trong nước đã bị tổn thất hơn 9,3 nghìn tỷ đồng.

Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch VSA - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học kỹ thuật đúc luyện kim Việt Nam, cũng cho rằng: "Chỉ cần nhập khẩu gần 2 triệu tấn phôi thì 4 - 5 nhà máy phải đóng cửa, bởi con số này tương đương với sản lượng của 4 - 5 nhà máy thép".

Theo ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á, thị trường nhập khẩu ở mức 25 - 30% là bình thường, nhưng tăng đến 50% là "rất đáng lo". Ông Phạm Chí Cường lý giải: "Hiện nay, lượng tôn thép sản xuất trong nước dư thừa để cung cấp cho thị trường nội địa, thế nhưng lượng tiêu thụ và nhập khẩu lại đang ngang nhau nên DN gặp khó là đương nhiên.

Cụ thể, lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam là 1,9 triệu tấn, trong khi đó công suất sản xuất trong nước là 12 triệu tấn/năm, sản lượng khoảng 6 triệu tấn/năm. Thép cuộn nhập khẩu 1,6 triệu tấn, trong khi trong nước sản xuất 1,1 triệu tấn"...

Song, điều đáng nói là tôn thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam bán giá rất rẻ, thậm chí có giá thấp hơn mức sản xuất của DN trong nước nên nhanh chóng chiếm thị phần". Đặc biệt, giá tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc sau khi trừ các chi phí chỉ vào khoảng 14,7 triệu đồng/tấn, rẻ hơn giá tôn sản xuất trong nước 3,3 - 5,3 triệu đồng/tấn, thấp hơn cả giá thành sản xuất trong nước.

Tôn thép Trung Quốc có giá rẻ vì đa phần chất lượng kém, có nhiều sản phẩm có biểu hiện gian lận thương mại, đơn cử tôn màu chất lượng tốt sẽ có nhiều lớp mạ, nhưng các sản phẩm của Trung Quốc đều bị giảm lớp mạ để giảm giá thành. Đặc biệt quy định của Hiệp định FTA ASEAN-Trung Quốc tới năm 2018, thuế nhập khẩu hợp kim về 0% sẽ là một lợi thế vô cùng lớn cho thép giá rẻ của Trung Quốc.

Sản xuất các loại thép của DN thành viên VSA tháng 1/2016 đạt 241.167 tấn, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng giảm 4,2% so với tháng trước.

Bán thép các loại trong tháng 1/2016 đạt 043.799 tấn, tăng 33,1% so với cùng kỳ 2015, nhưng giảm 6,1% so với tháng 12/2015.

Xuất khẩu sản phẩm thép các loại đạt 661 tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo ông Nguyễn Thanh Trung, độ dày của tấm tôn khá nhỏ, người tiêu dùng rất khó phân biệt được sự chênh lệch từ 1 - 2 đơn vị (1- 2 dem), trong khi sự chênh lệch này là một khoảng cách về giá tiền. Kế đến là thước đo, nếu dùng thước "non" không đúng chuẩn thì người mua sẽ bị thiệt.

Hiện nay, tôn thép Trung Quốc chủ yếu tập trung vào phân khúc thấp nên các DN đi theo phân khúc này gặp khó khăn nhất, còn các DN đi theo phân khúc chất lượng cao cấp hay xuất khẩu như Tôn Đông Á, Hòa Phát, Hoa Sen ít cạnh tranh hơn nhưng sản lượng không lớn.

Nếu tình trạng này kéo dài thì không chỉ phân khúc sản phẩm thấp bị tác động, mà tiếp sau đó sẽ lan tỏa sang phân khúc phổ thông và cao cấp. Bởi khi người tiêu dùng quen dùng sản phẩm giá rẻ thì các DN sản xuất nghiêm túc, đảm bảo đúng chất lượng cũng sẽ khó cạnh tranh.

Trước áp lực hàng nhập ngoại, kết thúc quý IV năm 2015, nhiều DN tôn thép đã có kết quả kinh doanh đáng buồn, như Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH), mặc dù doanh thu thuần tăng nhẹ 11,2%, lên gần 1.262 tỷ đồng, nhưng do giá vốn tăng vọt tới 27,7% lên hơn 1.389 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp đạt -127 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty TLH cũng chịu chung cảnh thua lỗ nên tính chung cả quý, lỗ tới hơn 186 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, TLH lãi hơn 10 tỷ đồng. Một DN khác là Công ty CP Kim khí TP.HCM (mã HMC) cũng khá lận đận. Năm 2015, mặt hàng chủ lực của Công ty là thép tấm, thép lá nhập khẩu bị giảm giá liên tục.

Đầu năm 2015, giá nhập thép tấm ở mức 480USD/MT; đến thời điểm tháng 12/2015, chỉ còn từ 250 - 260 USD/MT, giảm tới 45% so với giá đầu năm. Theo phân tích của một chuyên gia chứng khoán, khi giá bán trên thị trường trong nước điều chỉnh nhanh theo giá hàng nhập khẩu, lúc giá xuống, tiêu thụ khó khăn, lượng tiêu thụ bị sụt giảm dẫn đến kinh doanh hàng nhập khẩu không có hiệu quả.

Thêm vào đó, công ty này còn một lượng tương đối lớn hàng tồn kho từ các quý trước có giá vốn cao. Theo đó, kết thúc quý IV/2015, HMC chịu lỗ hơn 39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, Công ty lãi hơn 5 tỷ đồng. Tương tự, Công ty CP Thép Việt Ý (mã VIS) với khoản lỗ hơn 26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, lãi 6,5 tỷ đồng. Công ty CP SX-KD Kim khí (mã KKC) cũng tiếp tục lỗ với mức lỗ gần 5 tỷ đồng.

Đã đến lúc phòng vệ thương mại?

Trước sự gia tăng đột biến và bất thường về nhập khẩu phôi thép và thép dài gây thiệt hại cho DN ngành thép, nhiều DN thép đã gửi đơn tới Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị áp dụng tự vệ với mức thuế với phôi thép là 45% và 33% đối với thép dài.

Tuy nhiên, một số DN lại cho rằng, phôi thép trong nước không đủ cung ứng nên không có lý do gì nguyên liệu rẻ mà DN không được nhập về. Một DN dẫn chứng, 5 năm sản xuất thép, DN này chỉ mua được ở 2 DN trong nước chưa đến 150.000 tấn, khi cần nguyên liệu sản xuất gấp có lúc phải chờ tới 3 tháng.

Theo tính toán của các chuyên gia, năm 2015, mỗi tấn phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam là 320USD, trừ các chi phí thì mức giá này vẫn rẻ hơn giá sản xuất trong nước khoảng 2 triệu đồng/tấn. Đó là lý do một số DN phản đối biện pháp phòng vệ.

Ông Đỗ Duy Thái, Phó chủ tịch HĐQT Pomina, cho rằng, với mức thuế nhập khẩu 9% hiện nay, sản xuất phôi đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu và theo thông lệ quốc tế thì chỉ áp thuế tự vệ với sản phẩm, chứ không áp thuế với nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc hầu hết bán phá giá, dưới giá thành, chứ không phải cạnh tranh lành mạnh.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA, khi trả lời báo chí, cho rằng, khi DN trong nước phải phụ thuộc vào phôi nhập khẩu thì rất khó cạnh tranh về giá thành sản phẩm nếu chỉ làm mỗi khâu cán thép.

Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và một số loại thép nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước đang trở nên hết sức cấp bách. Nếu không, chỉ trong vòng 1 - 2 năm, DN thép sẽ bị phá sản hoàn toàn, không loại trừ DN nào.

| nothing